Công trình công nghiệp là loại công trình đặc thù, có diện tích mặt bằng xây dựng lớn, dây chuyền công nghệ dàn trải và con người làm việc trong môi trường lao động khắc nghiệt hơn các ngành nghề khác. Trong xu thế chung của thế giới về phát triển công trình xanh – bền vững, việc đặt ra vấn đề thiết kế và xây dựng công trình công nghiệp tại Việt Nam theo các tiêu chuẩn xanh là rất quan trọng, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng cũng như cho chính các chủ doanh nghiệp.
Nhà máy Coca Cola Việt Nam – Chứng chỉ LEED Bạc (Nguồn: Hội đồng công trình xanh Mỹ)
Nhà máy May Đồng Phú Cường – Chứng chỉ LOTUS Bạch Kim (Nguồn: Hội đồng xanh Việt Nam)
CÁC TIÊU CHUẨN CÔNG TRÌNH XANH ÁP DỤNG CHO CÔNG TRÌNH CÔNG NGHIỆP TẠI VIỆT NAM
Theo Hội đồng công trình xanh thế giới, vào năm 1993, Hội đồng công trình xanh của Mỹ là Hội đồng đầu tiên được thành lập, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành xây dựng, lần đầu tiên đưa ngành công nghiệp vào chuỗi giá trị để thúc đẩy công trình xanh. Lần lượt các nước trên thế giới đã xem xét tác động của Hội đồng công trình xanh, sự quan tâm ngày càng gia tăng dẫn đến xu hướng tương tự ở chính các nước. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Hội đồng công trình xanh thế giới ra đời từ đó.
Công trình xanh được Hội đồng công trình xanh thế giới định nghĩa: Công trình “xanh” là công trình trong thiết kế, xây dựng hoặc vận hành giảm thiểu các tác động xấu và có thể tạo ra những tác động tích cực đối với khí hậu và môi trường. Công trình “xanh” bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hiện nay, tại Việt Nam đang áp dụng chủ yếu 4 loại tiêu chuẩn công trình xanh (công trình công nghiệp xanh cũng áp dụng theo các tiêu chuẩn này), bao gồm LEED (Hội đồng công trình xanh Mỹ), LOTUS (Hội đồng công trình xanh Việt Nam), EDGE (IFC Tổng công ty tài chính quốc tế – một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới), BCA – GREEN MARK (Hội đồng công trình xanh Singapore).
Số liệu thống kê cho thấy, các công trình công nghiệp tại Việt Nam chủ yếu sử dụng chứng chỉ LEED và LOTUS.
PHÁT TRIỂN CÔNG TRÌNH CÔNG NGHIỆP XANH TẠI VIỆT NAM
Theo Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc, Công nghiệp Xanh là một chiến lược hoạt động mà các ngành công nghiệp tại các quốc gia ở tất cả các giai đoạn phát triển có thể sử dụng để đạt được phát triển bền vững bằng cách tách tăng trưởng kinh tế ra khỏi việc sử dụng quá mức tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường, giảm thiểu lượng phát thải, sử dụng năng lượng một cách hiệu quả, và triển khai sử dụng các nguồn tài nguyên có thể tái tạo làm nguyên liệu cũng như năng lượng đầu vào. Việt Nam đã từng bước gia nhập, tham gia vào chiến lược hoạt động của công nghiệp xanh, trong bối cảnh là nước đang phát triển phấn đấu đạt tới phát triển bền vững bất chấp dân số đông, áp lực về môi trường và biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh đó, lĩnh vực xây dựng công trình công nghiệp xanh cũng không nằm ngoài xu hướng chiến lược tăng trưởng và công nghiệp xanh. Đúng như mục tiêu ban đầu của Hội đồng công trình xanh thế giới, các công trình công nghiệp với chứng chỉ xanh đưa ra cam kết bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy sự bền vững khi phát triển các ngành công nghiệp. Chứng chỉ công trình xanh đem lại sự cam kết về môi trường và sức khỏe cho người lao động, là dấu ấn của các thương hiệu thúc đẩy đóng góp ý nghĩa cho xã hội, cho cộng đồng.
(Nguồn: Tác giả tổng hợp từ các trang web Hội đồng công trình xanh Mỹ, Việt Nam, Ngân hàng thế giới và Singapore)
Công trình công nghiệp xanh tại Việt Nam phát triển muộn hơn các nước trong khu vực, bắt đầu được chú ý phát triển vào những năm 2010 – 2011 (trong khi các nước Đông Nam Á khác như Thailand, Singapore đã bắt đầu từ những năm 2007). Khởi đầu với 2 công trình đầu tiên là Nhà máy Colgate Pamolive (Chứng chỉ LEED Bạc 2010) và Trung tâm kho vận của công ty YCH Postrate Distripark (LEED Bạc 2011). Hai công trình này đánh dấu bước chuyển quan trọng cho việc nhìn nhận, thức tỉnh về tầm quan trọng của chứng chỉ công trình xanh cho các công trình công nghiệp Việt Nam. Đây cũng là hai công trình của các thương hiệu nổi tiếng thế giới đặt tại Việt Nam. Với chứng chỉ xanh này, các thương hiệu bày tỏ sự quan tâm đến việc phát triển công nghiệp bền vững tại đất nước mà họ đang đầu tư.
Trong những năm tiếp theo tại Việt Nam, các nhà máy xây dựng mới và mở rộng, lần lượt gia tăng số lượng đăng ký và xây dựng theo các tiêu chuẩn công trình xanh: Năm 2012-2013 có 6 công trình công nghiệp, 2014 là 10 công trình, 2015 là 12 công trình, 2016 -2017 là 15 công trình. Có thể nhận thấy rõ tiên phong là các công ty đa quốc gia với thương hiệu nổi tiếng thế giới như Intel, Coca Cola, Bel Greenfield Asean, Deutsche Bekleidungswerke… Các công ty này đã tạo nên một xu hướng, một trào lưu xây dựng công trình xanh trong lĩnh vực công nghiệp, làm tiền đề cho các chủ doanh nghiệp Việt Nam học hỏi, xây dựng và nhanh chóng nhập cuộc. Nổi bật trong đó là công ty thép tiền chế ATAD, công ty may Đồng Phú Cường, công ty Canifa… Các công ty Việt Nam đã ngày càng nhận thức được tầm quan trọng khi quan tâm và sử dụng các chứng chỉ xanh cho các nhà máy của chính mình.
Nhà máy Cogate Pamolive – Nhà máy đầu tiên đạt chứng chỉ công trình xanh tại Việt Nam, LEED Bạc, 2010
Nguồn: Hội đồng công trình xanh Mỹ
Trung tâm kho vận YCH –Protrade Distripark – công trình công nghiệp thứ 2 đạt chứng chỉ công trình xanh tại Việt Nam, LEED Bạc, 2011
Nguồn: Hội đồng công trình xanh Mỹ
LỢI ÍCH ĐẠT ĐƯỢC KHI ỨNG DỤNG CHỨNG CHỈ CÔNG TRÌNH CÔNG NGHIỆP XANH
Các nhà máy tại Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn công trình xanh đã đạt được hiệu quả nhất định khi vận hành công trình, đáp ứng được các tiêu chí phát triển bền vững như sử dụng các vật liệu tái chế, giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên, không gây tổn hại đến môi trường và giảm tác động gây biến đổi khí hậu.
Công trình Nhà máy Bel Greenfield Asean tại Bình Dương, thành viên của Tập đoàn BEL Pháp, là nhà sản xuất những thương hiệu phô mai nổi tiếng như Con bò Cười, Kiri, Babybel,.. đã tiết kiệm 20% năng lượng, giảm 74% OTTV (Overall Thermal Transfer Value – chỉ số truyền nhiệt tổng), có mật độ công suất chiếu sáng là 2.18 W/m2, giảm 83% so với tiêu chuẩn VBEEEC., sử dụng 21% vật liệu có nguồn gốc tái chế, bền vững và tái tạo nhanh khi xây dựng công trình đạt chuẩn LOTUS Bạc.
Công trình nhà máy may Deutsche Bekleidungswerke tại Long An với chứng chỉ LOTUS Bạch kim đã sử dụng năng lượng tái tạo (xăng sinh học và pin quang điện (165.1 kWp), tái chế 93% phát thải xây dựng với khu vực dành riêng để phân loại và tập kết sản phẩm tái chế, sử dụng mái xanh hơn 1,000 m2 để trồng các loại rau cung cấp cho nhà ăn. [6]
Công trình nhà máy Coca Cola Việt Nam ở Thủ Đức với chứng chỉ LEED Bạc đã sử dụng hệ thống sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí hiệu quả cao (HVAC) giúp giảm hút ẩm hiệu quả hơn các hệ thống thông thường, hệ thống thiết bị hiệu quả nước cao hơn 35% so với một tòa nhà thông thường, sử dụng các vật liệu địa phương, tái chế và phát thải thấp.
Công trình Nhà máy kết cấu thép ATAD tại Đồng Nai với chứng chỉ LEED Vàng – là nhà máy kết cấu thép đầu tiên tại châu Á đạt tiêu chuẩn này, đã giảm 15% mức tiêu thụ làm mát hàng năm với mái nhà làm bằng vật liệu phản xạ mặt trời, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước mưa biến thành nước sinh hoạt, tưới tiêu, hệ thống năng lượng mặt trời, gió được lắp đặt để tái tạo nguồn điện, giảm tối đa chi phí và bảo vệ môi trường.
Tất cả các công trình công nghiệp sử dụng chứng chỉ công trình xanh, dù là của Mỹ (LEED) hay Việt Nam (LOTUS)… đều có một điểm chung là đạt được lợi ích cả về môi trường lẫn chi phí đầu tư và vận hành công trình, đảm bảo môi trường làm việc trong lành và khỏe mạnh cho người lao động tại nhà máy.
ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN CÔNG TRÌNH CÔNG NGHIỆP XANH TẠI VIỆT NAM
Các công ty xây dựng nhà máy với tiêu chuẩn công trình xanh theo đuổi các mục tiêu được tập đoàn toàn cầu đặt ra, đáp ứng nhu cầu đóng góp cho xã hội cũng như triết lý kinh doanh của chính mình.
Công ty Colgate Pamolive luôn phấn đấu là tập đoàn dẫn đầu trong việc xây dựng công trình xanh. Chiến lược của Colgate “Cam kết cho các tòa nhà bền vững”, đã đề ra một mục tiêu đầy tham vọng nhằm đạt được chứng nhận về năng lượng và thiết kế môi trường (LEED) cho tất cả các tòa nhà mới trên khắp thế giới. Nhà máy Colgate tại TP HCM là công trình công nghiệp đầu tiên của Việt Nam được chứng nhận LEED, là tiền đề cho các công trình công nghiệp Việt Nam hướng tới một tương lai bền vững hơn.
Công ty Bel Greenfield Asean – Bình Dương xây dựng nhà máy với mục tiêu tạo được ấn tượng về doanh nghiệp với hình ảnh chuyên nghiệp, cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Chiến lược phát triển dài hạn của Bel Việt Nam là trở thành trung tâm cung ứng sản phẩm cho toàn khu vực Đông Nam Á. Tận dụng lợi thế là lực lượng lao động có tay nghề, cũng như những chính sách ưu đãi của Hiệp định tự do thương mại AEC, nhà máy sẽ mang các sản phẩm vươn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, phục vụ toàn bộ thị trường Đông Nam Á.
Công ty ATAD với tầm nhìn xây dựng thương hiệu hàng đầu về lĩnh vực kết cấu thép tại Việt Nam và Đông Nam Á, sản xuất thi công kết cấu thép và nhà thép tiền chế số một về doanh thu, chất lượng hệ thống, sản phẩm và dịch vụ tại Việt Nam vào năm 2020 và trong Khu vực năm 2025. Với sứ mệnh đó, công trình nhà máy ATAD tại Đồng Nai đồng hành với những khoản đầu tư và chương trình khác, hướng tới việc tăng an toàn lao động và tạo ra môi trường bền vững, làm gia tăng giá trị của thương hiệu, giúp công ty vươn ra các thị trường lớn trên thế giới.
Nhà máy may Deutsche Bekleidungswerke – LOTUS Bạch kim
Nhà máy kết cấu thép ATAD – LEED Vàng
Thông qua các nhà máy đã đạt chứng chỉ LEED, LOTUS tại Việt Nam có thể thấy động lực chính cho phát triển công trình công nghiệp xanh bao gồm các yếu tố sau:
- Cam kết về phát triển chiến lược bền vững toàn cầu (của các công ty, tập đoàn);
- Nhu cầu và lợi ích phát triển sản phẩm ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, hướng tới các thị trường quốc tế có cùng cam kết phát triển bền vững;
- Thúc đẩy sự phát triển thương hiệu hàng đầu trong nước và vươn ra thế giới;
- Đảm bảo nhà máy vận hành đáp ứng tiêu chuẩn công nghiệp xanh.
KẾT LUẬN
Công trình công nghiệp xanh tại Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ với con số ấn tượng theo từng năm, tác động lớn đến tiến trình phát triển theo hướng bền vững cũng như thiết lập mạng lưới công nghiệp xanh. Đây là tín hiệu tích cực thúc đẩy nền công nghiệp Việt Nam nhanh chóng, tạo được thương hiệu vươn ra thị trường toàn cầu mà vẫn đảm bảo phát triển bền vững.
Công trình công nghiệp xanh là xu hướng hội nhập thế giới về phát triển xanh đáp ứng được yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, giảm chi phí cho chủ doanh nghiệp khi vận hành công trình, đóng góp vào việc bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.
Nguồn: noithatbenri.com